Thật khó tin khi những món đồ trang sức này được tạo thành từ vỏ túi mì tôm!
Rất nhiều sản phẩm hữu ích được CLB Mì Tôm Xanh tái chế từ vỏ đựng túi mì tôm.
Từ những chiếc vỏ của gói mì tôm, chị Vũ Thị Thảo (SN 1988, Hà Nội) cùng các thành viên câu lạc bộ Mì Tôm Xanh đã tái chế thành hàng trăm sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường như lót li, giỏ, túi xách... Đặc biệt, hoạt động này còn vô cùng ý nghĩa khi toàn bộ số tiền từ việc bán các sản phẩm tái chế được CLB dành tặng cho các quỹ từ thiện. CLB còn đào tạo hướng nghiệp cho các em học sinh khiếm thính.
Chị Vũ Thị Thảo vốn là một vận động viên chuyên nghiệp, nhà vô địch thế giới môn Pencatsilat năm 2010, nhưng sau đó do không may bị chấn thương dây chăng nên chị trở thành giáo viên dạy môn thể chất cho một ngôi trường tại Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, chị Vũ Thị Thảo cho biết: "Vào tháng 2/2020, khi đại dịch Covid bắt đầu hoành hành, trường học nơi mình công tác phát động “Tuần lễ bảo vệ môi trường”, trong đó có cuộc thi ý tưởng tái chế phế thải thành vật dụng hữu ích. Là một giáo viên trong trường mình cũng nhiệt tình hưởng ứng và tham gia".
Vốn là người con của làng nghề Phú Xuyên, lại có niềm đam mê làm đồ thủ công từ nhỏ nên ban đầu chị Thảo đã dùng giấy tạo nên các sản phẩm nhưng không bền và không có tính nghệ thuật. Dần dần chị đã tự mình tìm hiểu cách sử dụng vỏ túi mì tôm để tạo nên các sản phẩm tái chế.
Một chiếc giỏ đa năng cần khoảng 10-12 giờ đồng hồ để chế tạo từ những vỏ túi mì tôm.
Chị Vũ Thị Thảo đang làm mẫu khi sử dụng sản phẩm được tạo thành từ vỏ túi mì tôm.
Nguyên liệu làm nên một chiếc túi xách 80% từ vỏ túi mì tôm, 20% còn lại là lớp lót, dây đeo, khóa...
"“Vỏ túi mì tôm mềm, dễ cuộn, lại có nhiều màu sắc nên sẽ tạo ra những sản phẩm bắt mắt và nếu được tái chế còn góp phần hạn chế tối đa việc thải rác khó phân hủy ra môi trường. Nguyên liệu tái chế này lại rất dễ kiếm, hoàn toàn có thể xin miễn phí từ nhiều nơi.Từ những chiếc vỏ mì tôm tưởng chừng bỏ đi, chỉ cần cắt bỏ mép răng cưa, qua các khâu làm sạch, tạo sợi rồi đan, các sản phẩm hữu dụng như túi xách, lót cốc, hộp bút, giỏ, đĩa, lọ hoa... đã được tạo nên", chị Thảo nói.Chị Thảo say sưa kể lại: "Với cương vị là một giáo viên thể chất, trách nhiệm của tôi là mang lại các kiến thức bổ ích nhất cho học sinh. Thế nhưng mang lại kiến thức mà chỉ bằng tình yêu thương là chưa đủ, tôi muốn cho các em nhiều hơn thế. Tôi luôn cố gắng đem lại kiến thức không chỉ ở bộ môn thể chất mà còn cả văn hóa và lối sống tuần hoàn cho học sinh, nhắc nhở các em về nền văn hoá nước nhà, về một làng nghề truyền thống mây tre đan đậm bản sắc, nơi các em sinh ra. Hơn nữa đó còn là lối sống lành mạnh, cống hiến vì xã hội, vì những người kém may mắn hơn chúng ta. Vì thế dự án Mì Tôm Xanh ra đời vừa là đứa con do tôi tạo nên vừa là động lực để tôi gắn bó hơn với đam mê nghề giáo của mình".
Những vỏ túi nilon đựng mì tôm được thu gom từ khắp mọi nơi gửi về cho CLB Mì Tôm Xanh.
Ban đầu các thành viên trong CLB Mì Tôm Xanh là các em học sinh trong trường nơi chị Thảo giảng dạy, các em chỉ làm các công đoạn đơn giản. Về sau dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em đã làm được nhiều sản phẩm có tính mỹ thuật cao.
Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu thì chất lượng sản phẩm của CLB Mì Tôm Xanh đã đạt được tính hữu dụng và thẩm mỹ cao, dần được thị trường chấp nhận, nhận được nhiều đơn đặt hàng của các hãng sản xuất mì, các công ty và cả các tổ chức nước ngoài.Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm tái chế đều được chuyển vào quỹ từ thiện.
"Ban đầu là ủng hộ cho quỹ phòng chống Covid. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì CLB ủng hộ tiền bán được sản phẩm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình Cặp lá yêu thương.
CLB không trực tiếp nhận tiền ủng hộ mà khách mua sản phẩm sẽ tự mình lựa chọn một trong hai chương trình để gửi tiền cho quỹ, rồi sau đó sẽ được nhận sản phẩm. Nhận thấy ý nghĩa của việc làm này, nhiều khách hàng đã tự nguyện trả giá cao cho sản phẩm tái chế", chị Thảo nói.
Chị Thảo (áo đỏ) và các giáo viên đang đào tạo hướng nghiệp cho các học sinh khiếm thính tại trường Hy Vọng.
Với nhu cầu các đơn hàng ngày một nhiều mà năng lực sản xuất của CLB không kịp đáp ứng, chị Thảo nghĩ tới việc thành lập một doanh nghiệp xã hội, tạo việc làm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, chị đã tìm tới hỗ trợ cho các em nhỏ khiếm thính tại trường Hy Vọng (Long Biên, Hà Nội) vào thứ 4 hàng tuần, hướng dẫn các em từ việc sơ chế tới tạo hình các sản phẩm từ vỏ túi mì tôm.
"Xác định đây là một hành trình dài và gian khó nhưng chắc chắn mình sẽ không từ bỏ. Mạng lưới thu gom vỏ túi mì tôm hiện đã trải khắp các tỉnh thành, đầu ra sản phẩm chắc chắn có. Chỉ cần các em vượt qua được mọi rào cản, kiên trì chắc chắn sẽ thu được thành quả", chị Thảo tin tưởng.
Hiện tại, CLB đã đào tạo được cho 5 học sinh khiếm thính làm thành thạo các công đoạn chế tạo sản phẩm, các em có thể dạy lại cho các bạn trong trường. "Việc tạo sản phẩm từ các vỏ túi đựng mì tôm giống như đang làm công việc đan sợi yêu thương trong cuộc sống. Đan càng nhiều sợi yêu thương thì tình yêu thương trao đi càng lớn" - chị Thảo nói.
Vào ngày 29/11/2022, Dự án Mì Tôm Xanh của chị Thảo đã đạt giải Nhì Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 4, trước đó còn được nhận nhiều giải thưởng khác.
Lam Giang
Nguồn infonet.vietnamnet.vn