Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

  • 15/03/2023 10:29:05

Hẹn gặp Cao Bảo Vy vào một buổi sáng Chủ nhật, nụ cười tỏa nắng của chị khiến tôi như quên mất hôm đó là một ngày trời âm u. Cách chị đối mặt với những thử thách khó khăn của cuộc sống cũng như thế: luôn ngẩng đầu bật cười, mặc kệ nước mắt chảy ngược vào tim…

 

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

Chân dung Cao Bảo Vy - một người mẹ và một người đàn bà viết văn không ngừng sống một cuộc đời rực rỡ

Chọn một chiếc dù rực rỡ nhất và vừa đi vừa hát...Phóng viên: Nhiều phụ nữ cảm thấy cuộc đời mình chao đảo khi bước vào hành trình làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, bất kỳ ai theo dõi Cao Bảo Vy trên mạng xã hội đều thấy chị luôn tràn đầy sức sống. Chị có bí quyết gì không?Nhà văn Cao Bảo Vy: Tôi kết hôn lần đầu năm 25 tuổi, sinh con gái năm 26 tuổi - khá trẻ so với độ tuổi kết hôn của các bạn bây giờ. Thời điểm đó, nói “không chao đảo” thì không đúng nhưng có vẻ như vì còn quá trẻ, quá vô tư nên tôi đã “phớt lờ” những sự chao đảo xảy đến trong cuộc đời mình. Tôi đã ra riêng, tự vun vén tổ ấm mới, vượt qua nỗi sợ hãi khi bị động thai…

Tôi “phớt lờ” bằng cách cứ bình tĩnh sống, chuyện đến đâu tính đến đó. Trong khả năng của mình, tôi lo được đến đâu thì lo, không ngại bị chê là vụng về, bình tĩnh đi qua những va vấp trong lần đầu làm vợ, làm mẹ.

Nhưng “bình tĩnh đi qua” không có nghĩa là tôi đi qua mọi chuyện một cách êm đẹp, nếu không thì đã chẳng phải ly hôn (cười). Nhưng, tôi ly hôn rồi thì lại tiếp tục bình tĩnh đi qua… hậu ly hôn.

Tôi từng đọc: “Phụ nữ hiện đại cũng như thiên nga, càng thong thả trên mặt nước bao nhiêu, đôi chân lại càng quẫy đạp cật lực dưới mặt nước bấy nhiêu”. Tôi cho rằng dù khổ đau thế nào, tối qua có khóc ướt gối ra sao thì sớm mai thức dậy, ta vẫn nên nở một nụ cười thật tươi.

Khi bạn thấy mình xinh đẹp và rực rỡ, bạn sẽ có thêm động lực để vượt qua những chuyện không như ý. Thay vì đẫm nước mắt đi lướt thướt dưới mưa, tôi chọn một chiếc dù rực rỡ và vừa đi vừa hát... Cơn mưa nào rồi cũng sẽ tạnh và cầu vồng sẽ lại sớm xuất hiện.

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

Chân nhỏ dũng cảm - món quà đặc biệt Cao Bảo Vy dành tặng con gái

* Trong hành trình làm mẹ, một trong những thử thách khó khăn nhất là thu xếp thời gian cho con nhưng vẫn tận hưởng được cuộc sống riêng. Chị đã làm thế nào để đồng hành với con mà vẫn có một cuộc đời rực rỡ?

- Chúng ta buộc phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và mỗi thứ cần có một dung lượng thời gian tối thiểu để đạt được chất lượng mong muốn. Thứ tự ưu tiên của tôi là: con gái, công việc tạo nên thu nhập chính, sau cùng mới đến bản thân và những mối quan hệ khác.

Khi con còn nhỏ, bé cần nhiều thời gian của mẹ hơn nên tôi chọn một công việc ổn định về thời gian và thu nhập. Thời gian riêng cho bản thân thường là sau khi con ngủ, sáng sớm trước khi con thức dậy hoặc cuối tuần gửi con về ông bà. Nay con tôi đã 14 tuổi, đang dần tách khỏi mẹ nên thời gian con cần mẹ cũng giảm dần, thậm chí nhiều khi tôi còn phải “xin xỏ” con thêm thời gian.

Mẹ con tôi thường trò chuyện nhiều nhất là trên đường đưa đón con đi học, trong các bữa ăn và trong những chuyến đi. Khi đi du lịch, mẹ con tôi sẽ có từ vài ngày đến vài tuần dành cho nhau trọn vẹn. Khi ít tiền lẫn ít thời gian, chúng tôi vẫn có thể đi chơi theo dạng staycation (đi chơi và ở khách sạn ngay tại TPHCM) hoặc những tỉnh lân cận. Tôi sẽ không làm việc, con không học hành. Chúng tôi sẽ cùng nhau ăn uống, ngủ nghỉ, chụp hình, trò chuyện…

Tôi thích đi du lịch cùng con để sống thử một cuộc đời khác, không lo toan, không bận rộn, mà chỉ dành thời gian tuyệt đối cho nhau. Thật may mắn là mẹ con tôi có khá nhiều sở thích chung như: du lịch, ăn ngon… Thế nên khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ những sở thích chung, đặc biệt là những chuyến đi, tôi thật sự vừa dành thời gian cho con vừa sống cuộc đời rực rỡ của riêng mình.

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

Dù rất đam mê xê dịch, Cao Bảo Vy vẫn luôn tin rằng hạnh phúc thật sự sẽ không phụ thuộc vào những chuyến đi mà nằm ở sự kết nối

Bạn luôn có rất nhiều sự lựa chọn để sống khác đi"* Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị viết quyển sách Chân nhỏ dũng cảm ghi lại các chuyến hành trình từ khi con 18 tháng tuổi đến 11 tuổi?

- Đó là một ngày tháng Sáu ở Hà Lan, khi con tôi vừa tròn 8 tuổi và bắt đầu vác ba lô theo mẹ sang châu Âu. Khi ngồi đợi đón xe về sau chuyến đi thăm ngôi làng cối xay gió, con tôi vừa khóc vừa nói: “Bàn chân con bị làm sao đó, vừa đau vừa ngứa nữa. Con muốn về nhà”.

Tôi cởi giày cho con, vừa xoa lòng bàn chân trái của con vừa nói: “Bàn chân bé nhỏ này dũng cảm lắm đó, Ry biết không? Bàn chân đã đưa Ry đi từ Việt Nam sang Hà Lan, đưa Ry đi từ nhà cô Trang đến ngôi làng cối xay gió, dẫn Ry đi khắp nơi mà không hề mỏi mệt. Chân nhỏ dũng cảm lắm nhưng hôm nay chân nhỏ mệt rồi nên mẹ sẽ xoa xoa chân nhỏ nha. Chân nhỏ sẽ khỏe nhanh thôi và sẽ lại đưa Ry đi khắp nơi. Ry cũng vậy nhé, cũng phải thật dũng cảm như chân nhỏ nha”. Tôi nhìn con mỉm cười. Đôi mắt con long lanh nhìn mẹ, vẫn chưa ráo nước mắt nhưng lấp lánh niềm vui…

Câu chuyện đó đã trở thành một kỷ niệm của mẹ con tôi, nhắc tôi nhớ rằng trẻ con luôn rất cần sự thông cảm và khích lệ. Chúng dễ tổn thương, dễ khóc và dễ nản lòng. Vậy nhưng chỉ cần một chút kiên nhẫn của người mẹ, chúng sẽ vượt qua và nhìn lại điều ấy như một ký ức vui vẻ. Tôi chọn Chân nhỏ dũng cảm làm tựa đề cho quyển sách này như một món quà nhỏ tặng con, cũng là một lời tự nhắc mình luôn thật kiên nhẫn và bao dung với con.

Cũng từ ý tưởng đầu tiên đó, tôi đã nhớ lại, ghi lại những hành trình rong ruổi của 2 mẹ con từ khi con 18 tháng tuổi đến khi con 11 tuổi, tập hợp thành một quyển sách du ký hành trình. Quyển sách không chỉ lưu giữ những trải nghiệm của chính tôi mà còn truyền cảm hứng cho những người mẹ - dũng cảm và kiên trì trên suốt hành trình cùng con khôn lớn.

Sau chuyến đi châu Âu, tôi bắt đầu viết nhưng chỉ được khoảng 5 tản văn thì… quên mất. Một ngày, tôi dọn dẹp máy tính và tìm thấy file dở dang của Chân nhỏ dũng cảm. Cảm giác lúc đó vô cùng khó tả, vừa lạ lẫm như thể lần đầu tiên đọc những trang viết của ai đó, vừa bất ngờ và hạnh phúc như đã tìm lại được một “phần đời” mình đãbỏ quên.

Khi ấy, tôi đang làm việc tại một ngân hàng nước ngoài, công việc rất tốt và ổn định. Tôi nghĩ mặt trái của sự an toàn là khiến chúng ta ngủ quên trong cái kén êm ái. Chúng ta bình thản đi qua tháng rộng năm dài mà quên mất những đam mê và ước mơ. Tôi đã bắt tay hoàn thành phần còn dở dang.

Thử thách lớn nhất trong quá trình hoàn thành quyển sách có lẽ là do những chuyến đi đã qua lâu nên tôi phải ngồi xem lại những tấm ảnh, ghi chép, cố gắng gợi lại những mảnh ký ức. Tôi gom góp từng chút để tạo thành chất liệu thô, rồi từ đó gọt thành những câu chuyệnhoàn chỉnh.

Không như 3 quyển sách trước đó, Chân nhỏ dũng cảm có hẳn website riêng với đầy đủ nội dung. Chân nhỏ dũng cảm được “ưu ái” có lẽ vì đây là quyển sách đầu tiên tôi viết tặng con gái, nhân vật trung tâm là con và những chuyến đicùng nhau.

Cao Bảo Vy đoạt giải Nhất cuộc thi Cửa sổ tâm hồn lần II do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2008 và đã ra mắt các tác phẩm: Nghe sô-cô-la kể chuyện tình (2012); Hẹn nhau ngày 28 (2014); Yêu (2016)...

Đầu năm 2023, Cao Bảo Vy chính thức ra mắt cuốn sách thứ tư - Chân nhỏ dũng cảm - như một cách ghi lại nhật ký hành trình xê dịch tại Việt Nam và 6 quốc gia khác của cô cùng con gái.

Quyển sách như một món quà tinh thần vô giá tôi dành cho con gái. Tôi hy vọng rằng Chân nhỏ dũng cảm những số sau sẽ thật mới mẻ, đầy cảm xúc và mang lại nhiều điều thú vị cho bạn đọc hơn cả lần này.

* Chủ nghĩa xê dịch luôn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và đó cũng là giấc mơ của rất nhiều người mẹ có cuộc sống thu hẹp quanh 4 bức tường. Từ những chuyến đi cùng con, chị nhận thấy những trải nghiệm nào sẽ giúp phụ nữ “sống khác đi”?

- Tôi không phủ nhận rằng chủ nghĩa xê dịch vô cùng hấp dẫn. Phần lớn chúng ta rất thích thú khi được đến thăm những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, nếm thử cả khí trời lẫn phong vị ở những nơi không phải nhà mình. Ai mà không thích những điều mới lạ? Ai mà không thích được nghỉ ngơi, thư giãn, ăn món mình thích, làm điều mình vui? Tuy vậy, tôi nghĩ rằng lý do lớn nhất khiến người ta thích du lịch là bởi khi đó, chúng ta được sống một cuộc đời khác dù chỉ vài ngày hay vài tuần.

Ở cuộc đời khác đó, bạn không phải lặp đi lặp lại thời gian biểu như mỗi ngày mình vẫn làm. Bạn chỉ đơn giản là tạm gác lại mọi thứ để tận hưởng một cuộc đời khác, một bầu trời khác và ở một khung thời gian mà chúng ta có thể tùy nghi sử dụng. Trải nghiệm xê dịch làm người ta khao khát lẫn quyến luyến là vì vậy.

Dù thế, chúng ta không nhất thiết phải đi xa để tìm kiếm niềm vui. Bởi lẽ, nếu chúng ta không thể tự tạo ra và tìm thấy niềm vui cho chính mình trong cuộc sống thường ngày thì dù đi xa đến mấy, chúng ta vẫn sẽ cảm thấy lạc lõng. Hạnh phúc lớn nhất nằm ở sự tự cân bằng và tự tìm thấy niềm vui. Những chuyến du lịch xa, nếu có, chỉ là một sự lựa chọn để cuộc sống thêm thi vị, chứ không phải là giải pháp để trốn chạy hay cân bằng. Tôi luôn tin rằng hạnh phúc thật sự sẽ không phụ thuộc vào những dấu mộc trên quyểnhộ chiếu.

Năm 29 tuổi, tôi đã “sống khác đi” bằng cách xuống bếp mày mò nấu bữa ăn đầu tiên cho con gái. Từ đó, tôi trở thành người phụ nữ biết nấu ăn và thích ăn - một phiên bản tôi chưa từng nghĩ tới trước đó. Cũng năm 29 tuổi, tôi ra mắt quyển sách đầu tiên và “sống khác đi” bằng hình ảnh một người đàn bà viết văn. Một người bạn của tôi “sống khác đi” bằng cách mua máy may, kim chỉ, vải… để rồi tìm thấy niềm vui lẫn sự cân bằng trong sở thích may vá. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều có thể “sống khác đi” bằng những điều mình làm, với những tiềm năng mình mới khai phá cùng nguồn nội lực mình đang xây dựng và bồi đắp. Trải nghiệm xê dịch chỉ là một phần nhỏ giúp làm mới bản thân. Bạn luôn có rất nhiều sự lựa chọn để “sống khác đi”.

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

Cao Bảo Vy và con gái. Cô bé “chân nhỏ dũng cảm” nay đã cao hơn cả mẹ

* Nhiều bậc cha mẹ mất kết nối với con khi con bước vào giai đoạn dậy thì. Liệu những chuyến đi “khắp thế gian” có phải là một trong những giải pháp giúp thắt chặt tình cảm mẹ con?

- Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ đến chuyến đi Đà Lạt gần nhất của mẹ con tôi và chú cún. Chúng tôi thuê chiếc xe 7 chỗ và rong ruổi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, ở bên nhau từ sáng đến tối, cùng ngắm bình minh và rong chơi đến khuya. Giả sử mỗi ngày bình thường, thời gian chất lượng chúng tôi dành cho nhau tầm 30 phút thì với chuyến đi 3 ngày 2 đêm và ở bên nhau suốt 16 tiếng mỗi ngày (trừ 8 tiếng ngủ), có nghĩa là chúng tôi đã dành cho nhau 2.880 phút, tương đương thời gian chất lượng của 1.440 ngày bình thường. Rất đáng giá phải không? Thế nên, tôi nghĩ rằng những chuyến đi “khắp thế gian” có thể là một trong những giải pháp giúp thắt chặt tình cảm mẹ con hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bình thường chúng ta cứ… lờ nhau đi, rồi chờ đến khi đi chơi thì “thắt chặt”. Hơn nữa, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đi chơi cùng nhau. Vậy nên điều quan trọng vẫn là sự kết nối, dành thời gian chất lượng cho nhau mỗi ngày. Những chuyến du lịch, nếu có, chỉ là sự bồi đắp thêm cho mối quan hệ tìnhcảm ấy.

Khởi đầu giai đoạn dậy thì của con tôi là những ngày tháng COVID-19 kéo dài lê thê, 2 mẹ con ở nhà cùng nhau đến phát chán. Chúng tôi ra vào chạm mặt 24/7 nhưng chẳng thấy kết nối, chẳng thấy thắt chặt, chỉ gây nhau ỏm tỏi và thất vọng về nhau sâu sắc. Mất khoảng 2 năm, con tôi mới ổn định trở lại và 2 mẹ con mới có thể trò chuyện tình cảm với nhau như trước. Làm mẹ khi con bước vào tuổi dậy thì, chúng ta chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài thật kiên nhẫn và bao dung. Nếu mình hiểu con thì quá tốt nhưng ngay cả khi không hiểu được, chúng ta vẫn cần kiên nhẫn và bao dung cùng con đi qua những giai đoạn khó khăn.

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ

Cao Bảo Vy vừa có buổi giao lưu và ra mắt sách cùng các nhà văn nữ khác nhân dịp 8/3

* Tôi rất thích bài Hành lý nặng lắm nhưng con phải tự mang trong quyển sách mới nhất của chị. Nhiều người mẹ luôn sẵn sàng gánh vác mọi trở ngại của con suốt cuộc đời mà quên mất “đàn bà cần học cách yêu thương chính mình”. Chị muốn nhắn nhủ điều gì qua thông điệp khích lệ con độc lập?

- Thật trùng hợp, Hành lý nặng lắm nhưng con phải tự mang cũng là bài con tôi thích nhất trong quyển sách. Con bảo rằng trải nghiệm tự mình bước đi trong chuyến đi Nhật đã dạy con biết tự gánh vác khó khăn và quan tâm đến cảm xúc lẫn những vất vả của người xung quanh. Đây là bài học mà trong điều kiện bình thường, có thể mất rất nhiều thời gian để con hiểu được. Tôi phải cảm ơn em trai mình đã rất cứng rắn và kiên quyết trong chuyến đi ấy. Điều này thường bị khuyết ở những bà mẹ dễ mềm lòng và có khuynh hướng bảo bọc con như tôi.

Thế nhưng, thật may, con gái tôi khá lành tính và biết yêu thương mẹ, nên mẹ con tôi thường có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình. Tôi tuy chưa đủ cứng rắn nhưng lại yêu cầu cao trong việc con tự lập và tôn trọng thời gian riêng của mẹ.

Con muốn sử dụng vật dụng hay không gian riêng của mẹ đều phải xin phép và ngược lại, tôi cũng tôn trọng con như thế. Hôm nào bận hoặc muốn nghỉ ngơi, tôi sẽ để con tự xuống bếp lo chuyện ăn uống. Nhìn chung, tôi vẫn là một bà mẹ “úm” con nhưng chỉ “úm” trong khoảng thời gian mà tôi dành cho con. Đến khoảng thời gian dành cho chính mình, tôi sẽ nói rõ ràng: “Bây giờ mẹ sẽ bận, con đừng vào phòng mẹ lúc này nhé”.

Tôi hiểu tâm lý sẵn sàng gánh vác mọi trở ngại của con suốt cuộc đời mà quên mất chính mình của phần lớn phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, yêu mình cũng chính là yêu con vì nếu bạn kiệt sức và gục ngã thì ai sẽ lo cho con? Khi bạn lớn tuổi và mệt mỏi nhưng con vẫn chưa biết cách chăm sóc cho chính mình thì ai sẽ thay bạn? Vì vậy, cách yêu con tốt nhất chính là dạy con tự yêu thương và chăm sóc bản thân chu đáo. Khi một người có thể yêu thương chính mình như cách cha mẹ yêu họ, tình yêu đó mới là tình yêu vữngchắc nhất.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.Thảo Viên (thực hiện)Ảnh: Nhân vật cung cấp

   

Nguồn www.phunuonline.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Nhà văn Cao Bảo Vy: Hành trình cùng con sống một cuộc đời rực rỡ - Giải Trí

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều