Ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng bắt nhiều bạn học sinh tụ tập mua quà, ăn vặt tại các gánh hàng rong xung quanh các trường học. Một trong những vấn đề chính đáng lo ngại là các gánh hàng rong mọc lên nhiều vô số kể, không có sự đảm bảo, chịu trách nhiệm trong bất cứ trường hợp nào đến từ các cá nhân liên quan.Điều này gây cản trở, khó khăn cho phụ huynh, cán bộ nhà trường và các cơ quan chức năng khi vào cuộc.
Những hàng xe bán đồ ăn vặt di động luôn tấp nập hình ảnh học sinh vây quanh để mua hàng.
Em T.H.V. (học sinh lớp 7, Trường THCS Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) mua quà vặt ngay cổng trường, chia sẻ: “Em thích ăn cái này vì nó ngon, rẻ nữa, em ăn thường xuyên, bạn bè cũng hay mua ăn cùng nhau.”Khi hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm qua những món đồ này, hầu hết các bạn học sinh đều không mấy để tâm đến.Cô Trần Lệ Thủy, giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Thị Định ( thành phố Thủ Đức) cho biết: “Hiện nay, có nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, nên đối với tôi và nhà trường cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế các em mua quà vặt, ăn uống lề đường. Tôi cũng rất quan ngại và lo lắng, bởi các em ăn những đồ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kèm theo thời tiết hiện tại nắng nóng, nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Nhà trường cũng đã giới hạn các loại thực phẩm bán ở căn tin rồi, tuy nhiên, việc các em học sinh mua đồ ở ngoài cũng khó quản lý hết”.Vấn đề này cần có sự quan tâm sát sao từ các quý bậc phụ huynh, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cũng rơi vào thế bất lực và “mặc kệ” con em mình.Chị T.P.K. (36 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết: “Ăn thì ai cũng ăn, mình lâu lâu cũng hay mua ăn vặt mà, biết là đồ lề đường sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh, nhưng mà bản thân mình còn không hạn chế được nói gì mấy đứa nhỏ. Bình thường mình chỉ cho con từ 10 đến 20 ngàn để mua quà vặt ăn, nói chung là mắt mình thấy sạch là được rồi”.Anh P.V.H. (42 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cũng chia sẻ: “Hồi xưa tôi đi học cũng mê ăn lề đường, hàng rong nên giờ không thể bắt ép con cái mình, cấm con cái không được ăn. Tôi cũng có khuyên bảo con mua đồ trong căn tin, chỗ nào uy tín để chẳng may có chuyện gì còn biết mà xử lý. Thời tiết thành phố Hồ Chí Minh mấy nay nóng đỉnh điểm, tôi cũng dặn các con không ăn bậy bạ, vì giờ đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ nhiều, ăn về ngộ độc nữa”.Cần có sự giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năngĐể giải quyết vấn đề này, có một số giải pháp có thể được đề xuất. Trước hết, cần thiết phải có sự tăng cường giám sát và kiểm tra định kỳ từ phía cơ quan y tế và chính quyền địa phương đối với các gánh hàng rong. Đồng thời, việc đào tạo và nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người bán cũng rất quan trọng. Ngoài ra, việc tạo ra các quy định rõ ràng và nghiêm ngặt về vệ sinh thực phẩm cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Giai đoạn nắng nóng, chúng ta đặc biệt chú ý đến ăn uống. Ăn chín uống sôi, hạn chế ăn những món sống, món tái. Thứ hai, cần uống nước đã đun sôi, không uống nước lã và sử dụng nước suối còn đóng nắp nguyên vẹn.
Đối với hàng quán di động, hàng rong về phương tiện bảo quản chưa rõ ràng, chén bát rửa đi rửa lại sẽ khó đạt tiêu chuẩn sạch sẽ. Chưa kể, họ di chuyển nay đây mai đó dẫn tới nguy cơ bụi bặm, côn trùng xâm nhiễm rất cao. Đối tượng của các hàng quán di động lại chủ yếu là trẻ em. Từ đây, dẫn tới nguy cơ ngộ độ thực phẩm là rất cao".
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến về vệ sinh an toàn thực phẩm ở môi trường học đường.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học, phụ huynh và cơ quan quản lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này. Việc tăng cường thông tin và tạo ra các chiến dịch tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng.Trên tất cả, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các gánh hàng rong ở trường học không chỉ là trách nhiệm của các nhà cung cấp thực phẩm mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Chỉ khi chúng ta cùng nhau hành động và chấp hành các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta mới có thể đảm bảo môi trường ăn uống an toàn và lành mạnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là học sinh - tương lai của đất nước.Tại thành phố Hồ Chí Minh, lễ phát động tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm, với chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm, anh ninh, an toàn thực phẩm trong thời kỳ mới’ cũng đã nêu cao tinh thần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng, thực hiện chủ trương xuyên suốt, xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, cải cách hành chính và nâng cao nhận thức người dân. Tại lễ phát động, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn vệ sinh thực phẩm cũng khẳng định, tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm không có nghĩa là chúng ta chỉ tập trung vào tháng này, còn thời gian còn lại thì buông lỏng. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là một công tác thường xuyên, liên tục, suốt năm, có thể nói là hết đợt này đến đợt khác.
"Lời khuyên chân thành của tôi là quý vị phụ huynh nhắc nhở con em mình, nếu ăn thì vào căn tin trường học, những nơi có giấy tờ, người chịu trách nhiệm rõ ràng. Khi vô tình xảy ra sự cố gì, có người đứng ra chịu trách nhiệm ngay. Công tác quản lý của các cơ quan chức năng, bộ phận liên quan sẽ vào cuộc nhanh chóng hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ thêm.
Nguồn www.nguoiduatin.vn