Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái tâm lý và tinh thần của con người. Dưới đây là các loại thực phẩm và đồ uống bạn nên loại bỏ khỏi thực đơn nếu muốn giảm thiểu sự dao động của lượng đường trong máu, tâm trạng thất thường và các triệu chứng trầm cảm.
Ai trong chúng ta cũng có cảm giác buồn chán tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Đôi khi, những thay đổi tâm trạng này trở nên nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến cách người đó cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày.
ThS. BS. Nguyễn Kim Anh - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần. Với người bệnh trầm cảm, cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân, mọi người thân trong gia đình cần thông cảm, chia sẻ, động viên và giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm, tránh thái độ kỳ thị coi thường. Tạo điều kiện để bệnh nhân được bày tỏ ý kiến của mình.
Trầm cảm là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần thường đi kèm với thói quen ăn uống kém. Áp dụng lối sống lành mạnh có thể là một thách thức thực sự khi người bệnh đang phải vật lộn với nỗi buồn sâu sắc, thiếu năng lượng, cáu kỉnh và mất ngủ. Tuy nhiên, loại trừ các thực phẩm có hại khỏi chế độ ăn uống hàng ngày là bước đầu tiên hướng tới một bộ não và tâm trí khỏe mạnh hơn.
1. Rượu bia đồng hành với trầm cảm
Một số người khi phải đấu tranh với tâm trạng và năng lượng thấp thường sử dụng rượu bia để khiến họ cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, khi tác dụng của rượu giảm bớt, họ thậm chí còn cảm thấy tồi tệ hơn trước, vì vậy một vòng luẩn quẩn được tạo ra.
Rượu hoạt động như một chất gây trầm cảm, ức chế hệ thần kinh trung ương và cản trở cách chúng ta xử lý cảm xúc. Rượu cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, vì vậy nếu bạn ngủ không ngon giấc, tâm trạng không tốt, hãy hạn chế uống rượu càng nhiều càng tốt.
Những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nếu uống nhiều rượu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống trầm cảm và dễ có ý tưởng tự sát.
Những người thường xuyên uống rượu bia nhiều rất dễ bị trầm cảm.
2. Cà phê
Caffeine có thể ảnh hưởng đến con người theo những cách khác nhau. Nếu cơ thể không dung nạp caffeine, người đó sẽ cảm thấy hồi hộp, khó chịu và nhịp tim tăng lên vì vậy nên giảm dần lượng cà phê uống vào để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc cai caffeine.
Hãy thử thay thế tách cà phê của bạn bằng đồ uống khác để không cảm thấy thiếu cà phê. Hãy chọn loại trà đã khử caffeine, hoặc tốt hơn nữa là trà thảo mộc hữu cơ - các đặc tính tự nhiên của nó có thể có lợi cho hệ thần kinh của bạn, cải thiện tâm trạng và giúp bạn ngủ ngon hơn.
3. Nước tăng lực và nước ngọt
Những người bị trầm cảm thường đi kèm với sự mệt mỏi và kiệt sức triền miên nên nước tăng lực thường xuất hiện như một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, chúng gây hại nhiều hơn lợi. Sự kết hợp của caffeine, đường và chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng nhịp tim và gián đoạn giấc ngủ.
Đồ uống có ga thông thường cũng có thể gây ra vấn đề, vì chúng không có lợi ích dinh dưỡng trong khi chứa một lượng đường và chất làm ngọt tương đối nhiều. Tương tự như vậy, soda được gắn nhãn không đường cũng chứa chất làm ngọt nhân tạo và hàm lượng caffeine nhất định cũng có khả năng làm tăng lo lắng, căng thẳng và khiến bạn càng cảm thấy chán nản hơn.
Caffeine, đường và chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng nhịp tim và gián đoạn giấc ngủ.
4. Nước ép trái cây ngọt không tốt cho người bị trầm cảm
Một số loại nước ép trái cây ngọt như dứa, nước mía, nước táo có thể giúp bạn tỉnh táo nhanh chóng, nhưng khi uống nước trái cây có nhiều ngọt, lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng, và bạn cảm thấy đói và khó chịu hơn trước.
Trái ngược với niềm tin phổ biến, nước ép trái cây ngọt không làm dịu cơn khát một cách hiệu quả mà uống nhiều nước lọc là một cách tốt hơn nhiều. Ăn trái cây hữu cơ cũng là một lựa chọn thay thế tốt hơn; hàm lượng chất xơ giúp bạn no lâu và cân bằng lượng đường trong máu cũng như cải thiện tâm trạng.
5. Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến thường có nhiều chất phụ gia, đường, muối và calo. Tiêu thụ thường xuyên những thực phẩm này làm tăng tình trạng viêm khắp cơ thể, bao gồm cả não. Các phản ứng viêm kéo dài có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và dẫn đến thay đổi khẩu vị, mệt mỏi, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ , tâm trạng tiêu cực và rút lui khỏi xã hội.
6. Nước xốt salad và nước xốt cà chua đóng hộp
Nước xốt cà chua đóng hộp và nước xốt trộn salad làm sẵn chứa nhiều đường ở nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như các thành phần như xi-rô ngô. Ngay cả những sản phẩm được gọi là "không đường" cũng chứa aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Tốt nhất nên tự chế biến nước xốt tại nhà để kiểm soát lượng đường bổ sung.
7. Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm phổ biến như bánh nướng đóng gói, thực phẩm chế biến, bơ thực vật và dầu chiên dùng để nấu thức ăn nhanh. Chúng có thể bám vào thành động mạch và gây xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Chất béo chuyển hóa cũng liên quan đến nguy cơ trầm cảm cao hơn, cũng như cảm giác hung hăng và cáu kỉnh. Cũng có thể các hợp chất này làm giảm sản xuất serotonin (thường được gọi là "hormone hạnh phúc") trong não. Nên thay thế chất béo chuyển hóa bằng dầu trái bơ để nuôi dưỡng não và cải thiện tâm trạng của bạn.
Nguồn giadinh.suckhoedoisong.vn