Tết đến, xuân về, việc nâng ly rượu, cốc bia chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành văn hóa ở nước ta. Bia, rượu vang, rượu mạnh... là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Vậy uống rượu bia thế nào cho đúng và ít gây hại cho sức khỏe?
Vào dịp cuối năm, ngày lễ, Tết, nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao (Ảnh minh họa)
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, người sử dụng rượu bia cần tránh những thói quen dưới đây nếu không muốn "nhân đôi" tác hại của đồ uống có cồn.
Uống paracetamol để giảm đau đầu sau nhậu
Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng thường gặp khi uống rượu bia. Do đó, sử dụng thuốc có chứa paracetamol là lựa chọn của nhiều dân nhậu để giảm tình trạng này.
Tuy nhiên, theo BS Mạnh việc kết hợp paracetamol và rượu bia lại rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương gan, thậm chí suy gan.
Lý do là bởi khi uống rượu, gan sẽ phải làm việc cật lực để chuyển hóa và đào thải ethanol. Sử dụng paracetamol vô tình sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa đối với gan và gây tình trạng ngộ độc paracetamol.
Bên cạnh đó, paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, làm tăng gấp đôi tác hại lên gan.
Chính vì vậy, dân nhậu không nên uống các loại thuốc có chứa paracetamol như là một cách giải rượu vì rất nguy hiểm.
Ngay cả khi không uống rượu, việc sử dụng paracetamol để giảm đau thông thường cũng cần được sử dụng theo chỉ định, đúng liều lượng được ghi rõ trong bảng hướng dẫn sử dụng.
Uống rượu bia khi bụng rỗng
Theo BS Mạnh, 80 - 90% lượng rượu bia được hấp thu ngay tại dạ dày. Vì vậy, khi dạ dày đang trống rỗng, cồn sẽ được hấp thu nhanh và mạnh hơn vào máu. Điều này khiến mạch máu bị giãn ra, huyết áp giảm đột ngột, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Uống rượu bia khi bụng đói còn khiến chúng ta nhanh say hơn, đồng thời gây hại cho gan và tim.
"Do đó, tuyệt đối không nên uống rượu bia khi bạn đang có một cái bụng rỗng. Cách hữu hiệu là nên lấp đầy khoang bụng trước khi tham gia vào các buổi tiệc tùng có sử dụng bia, rượu, điều này sẽ làm chậm quá trình hấp thụ cồn vào máu, giảm nhẹ các triệu chứng say bia, rượu", BS Mạnh phân tích.
Một nghiên cứu liên quan đến 15.000 người ở Ý cho thấy những người có thói quen uống rượu khi bụng đói có tỉ lệ tử vong cao hơn những người uống rượu sau khi ăn.
Uống rượu bia khi bụng đói khiến cồn hấp thu nhanh và mạnh hơn vào máu (Ảnh minh họa)Uống rượu bia cùng nước ngọt
Uống rượu bia cùng nước ngọt, không chỉ cánh mày râu mà còn được nhiều chị em áp dụng để đồ uống có cồn có vị dễ uống hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Mạnh khuyến cáo cần cẩn thận với thói quen này.
Lượng đường trong nước ngọt khiến cồn được hấp thu nhanh và mạnh hơn vào máu, dẫn đến say xỉn nhanh chóng và các triệu chứng đau đầu, buồn nôn cũng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, những hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ.
Thậm chí, việc pha rượu bia với các loại nước có gas hay cà phê còn có nguy cơ gây ngộ độc cồn cao.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe, tuyệt đối không nên kết hợp rượu bia với bất kỳ loại nước ngọt hoặc thức uống kích thích nào khác.
-->> Uống bia có thực sự ít ảnh hưởng sức khỏe hơn rượu?Thúy Ngà
Nguồn giadinhonline.vn