3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

  • 22/03/2024 15:29:09

Cố NSND Trần Tiến là tài năng lớn của sân khấu kịch Việt Nam. Ông sinh năm 1937 tại Hà Nội, bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1954 bằng những vai hề chèo. Đến năm 1961, nghệ sĩ Trần Tiến theo học khóa diễn viên của trường Nghệ thuật Sân khấu. Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012.

3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Cố NSND Trần Tiến và con gái Lê Khanh. (Ảnh: TL)

NSND Trần Tiến có hàng loạt vai diễn để đời, ghi dấu ấn trong nhiều thế hệ khán giả như: Đại Cát trong Quẫn; Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Hoài Nghi trong Chuông đồng hồ điện Kremlin... Ngoài ra, ông còn tham gia một số bộ phim như: Thằng Bờm; 5 ngày làm Thượng đế; Chuyện làng Nhô; Hà Nội 12 ngày đêm; Những người săn lùng cái đẹp; Bi đừng sợ… Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1993. Nghệ sĩ qua đời vào đầu năm 2023 tại nhà riêng, thọ 86 tuổi.

3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Nghệ sĩ Lê Mai nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú tại đợt trao tặng vừa qua. (Ảnh: Viết Niệm)

Gia đình cố NSND Trần Tiến đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Vợ cũ của ông - nghệ sĩ Lê Mai vừa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú vào đợt 10 (2023). Trước đó, con gái của ông bà là NSND Lê Khanh đã được phong tặng vào năm 2011, khi mới chỉ 38 tuổi. Lê Khanh sở hữu một sự nghiệp rực rỡ với hàng loạt vai diễn nổi bật trên sân khấu kịch cũng như phim truyền hình.

Hai cô con gái khác của ông là NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vi tuy hiện tại hiếm tham gia các hoạt động nghệ thuật nhưng cũng đều từng ghi dấu ấn tại hai lĩnh vực múa và phim ảnh.

Gia đình NSND Đặng Hùng - NSND Vương Linh - NSƯT Linh Nga

NSND Đặng Hùng (tên thật là Đặng Văn Hùng) sinh năm 1958 xã Hậu Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1972, ở độ tuổi thiếu niên, Đặng Hùng đã vào theo học tại Trường Múa Việt Nam. Đây cũng chính là nơi ông gặp gỡ và đem lòng yêu người bạn đời - nghệ sĩ múa Vương Linh. Năm 1983, cặp đôi tổ chức đám cưới năm 1983, trong hội trường ký túc xá đại học ở Moskva.

3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Gia đình NSND Đặng Hùng, NSND Vương Linh và con gái - NSƯT Linh Nga. (Ảnh: TL)

Năm 1986, cặp đôi trở về công tác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc – Vũ kịch Việt Nam. Đến năm 1988, Đặng Hùng và Vương Linh quyết định vào miền Nam và công tác tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Họ tỏa sáng trên sân khấu và giành hàng loạt giải thưởng nghệ thuật tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Năm 2015, hai nghệ sĩ cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Nghệ sĩ Vương Linh sinh con gái Linh Nga vào năm 1986. Được thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố mẹ, 10 tuổi, Linh Nga đã là thành viên trụ cột của nhóm múa Những ngôi sao nhỏ, thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. 12 tuổi, Linh Nga sang Trung Quốc học múa và 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật múa Bắc Kinh, Trung Quốc, cô về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, nơi bố mẹ cô gắn bó từ cuối những năm 1980.

Nhiều năm gắn bó với nghệ thuật múa, Linh Nga đưa tới khán giả những chương trình nghệ thuật hoành tráng, chất lượng. Có thể kể tới liveshow riêng mang tên Vũ, Sen. Linh Nga cũng là nghệ sĩ hiếm hoi được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú khi chưa đầy 30 tuổi.

Gia đình NSƯT Tự Lẫm, NSƯT Minh Phức, NSND Tự Long

Mới đây, NSND Tự Long vui mừng đăng tải hình ảnh mẹ anh là nghệ sĩ Nguyễn Thị Phức (Minh Phức) được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt xét tặng lần thứ 10. Anh chia sẻ: "Vậy là nhà mình có thêm một NSƯT nữa rồi. Tổng số bây giờ là 2 Nghệ sĩ Ưu tú và 1 Nghệ sĩ Nhân dân".

3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Nghệ sĩ Minh Phức - mẹ NSND Tự Long hạnh phúc trong ngày đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. (Ảnh: FBNV)

Bố ruột Tự Long là NSƯT Tự Lẫm (nghệ danh Hai Lẫm) là một nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) và từng giữ chức trưởng đoàn trong những ngày đầu thành lập.

Ngoài quan họ, NSƯT Vũ Tự Lẫm cũng từng tham gia điện ảnh với vai Chi trong bộ phim "Đến hẹn lại lên" (1974) của đạo diễn Trần Vũ. Năm 2016, nghệ sĩ Tự Lẫm được phong tặng danh hiệu NSƯT cùng ngày Tự Long nhận danh hiệu NSND.

Mẹ của nghệ sĩ Tự Long cũng là lớp nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. NSND Tự Long từng chia sẻ một bài viết xúc động về mẹ trên trang cá nhân: "Mẹ tôi tuổi đã ngoài bảy mươi, là mẹ của NSND và là vợ của NSƯT. Mẹ sinh ra trong gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Ông ngoại tôi là tay trống cự phách của Nhà hát Chèo Việt Nam. Các bác đều học trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Mẹ tôi hát quan họ hay lắm! Tôi chỉ hát bằng một phần nghìn của mẹ thôi. Mẹ yêu nghề và thích hát nhưng suốt những năm công tác tại Đoàn Quan họ Bắc Ninh, mẹ chẳng được công nhận gì cả, nghĩ mà buồn cho mẹ tôi".

Minh Tâm

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

3 gia đình có bố, mẹ và con được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú - Giải Trí

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều